Sẹo lồi và phương pháp điều trị

Đăng vào 03/05/2024 lúc 23:53

Những cái thẹo dài đôi khi lớn hơn chiếc đũa vắt ngang bụng, trên đầu gối, trên vai, trên cổ, trên ngực, trên da người. Nó xấu xí, đỏ bóng… Những cơn ngứa từ đó không dứt, không chịu đổi màu giống da, có khi đau nhức co kéo. Thẹo thường gặp trên người da vàng Á Châu chỉ sau khi chích ngừa, sau khi phẫu thuật, sau một vết thương bỏng, sau một tai nạn lưu thông, sau một chấn thương từ đâu rơi xuống người

Tại sao người da trắng ít bị sẹo lồi
- Chắc chắn có một điều dễ hiểu là người da trắng hiếm bị sẹo lồi như dân da đen, da vàng. Dân da vàng có lớp da chứa nhiều mô sợi collagen (dày gấp mấy lần da trắng) - họ lý giải đó là một trong những nguyên do chính gây sẹo lồi và ngược lại da trắng lớp da ít collagen nên mau đổ nếp gấp hơn, mau già hơn. Thật vậy sẹo lồi bên trong chỉ là sự tăng sinh quá độ của collagen, biến thành màu đỏ sậm

Bệnh nhân bị sẹo lồi là em bé bị chó cắn

Nơi nhấp nhô cử động
Ngàn ngàn sẹo lồi trên da người, trên 95 % sẹo lồi thích mọc những nơi nhấp nhô hay động đậy. Sẹo lồi mọc trên ngực cổ nhấp nhô (mổ giáp trạng…), trên da bụng nhấp nhô (sau mổ bụng, mổ sản khoa …), trên đầu gối, cổ tay, khuỷu tay thường cử động, khóe miệng, bờ môi động đậy sau chấn thương trầy rách da, trên bờ vai di động (sau chích ngừa). Chỉ một vết thương nhỏ chút xíu do chích ngừa trên bờ vai di động đã đưa đến hàng ngàn trường hợp sẹo lồi trên vai, lâu lâu ngứa nhức khó chịu. Chưa có một thống kê nào nói chuyện sẹo lồi trên vai những cô gái giữa thành phố này. Dĩ nhiên họ khó mặc áo sát nách để hở cánh tay trần giữa nắng nóng quanh năm,… Nếu có cháu gái khi đi chích ngừa, thận trọng cho chích chỗ kin kín,  kẻo không sẽ khổ cho đứa bé khó đi thi thời trang, hoa hậu mai sau.

. Chuyện ăn hải sản và rau muống
- Chuyện sẹo lồi phẫu thuật, sau một vết rách da, sau một bỏng da người do ăn những thức ăn ngon lành trên gần như rõ ràng ở xứ mình, nhưng để lý giải thật là rắc rối lắm lời. Do dị ứng? Do vài chất đặc biệt ứ đọng trong thực phẩm biển làm gia tăng lượng collagen, gây nên thẹo phì đại? Có người không sao trên cùng một cái thẹo? Yếu tố gia đình đôi khi cần nhắc tới nhưng điều quan trọng là yếu tố khi xử lý một vết thương - Yếu tố chính do lỗi một phần ở ngành y!
- Từ năm 1806, lần đầu tiên Bác sĩ Alibert đã mô tả, đặt tên sẹo lồi, nhưng cho mãi đến hôm nay người ta vẫn lầm lẫn với cái thẹo phì đại một cách nực cười. Theo dõi một cái thẹo trong 6 tháng, nếu nó lan nhanh đến những vùng chung quanh thì có khả năng là sẹo lồi. Một cái thẹo sau mổ to như con đỉa đỏ (do vết thương nhiễm trùng, bỏng…) nhưng nó không lan qua vùng bên cạnh, đây gần như hiện tượng phì đại của cái thẹo mà thôi. Chúng có sự tổng hợp thái quá của chất collagen nơi đó  (Cohen - 1971) Một đứa bé suy nhược cơ thể, hầu như sau mổ cái thẹo phải lớn phì đại. Năm 1979, Diegelmann chứng minh sẹo phì đại do lượng tổng hợp collagen từ tế bào bình thường, và ở sẹo lồi từ tế bào fibroblasts.
. Quan sát trên bệnh lý
- Khá nhiều vết thẹo sau mổ trông như con đỉa, như con rết rừng màu huyết bò… Nguyên nhân chính do phía mấy ông thầy thuốc (thực ra ít ai dám nhận trách nhiệm này cả!). Con đỉa phì đại trông dễ sợ một phần sau mổ bị nhiễm trùng - người ta thường vịn cớ do nhiều khó khăn, ông phẫu thuật dùng sợi chỉ khâu to tướng bằng sợi dây thừng để khâu may da người, chưa hết, người ta còn dùng những chỉ nylon, chỉ sợi không tự tiêu khâu bên trong da,… sợi chỉ để khâu bên trong lại được đem khâu ngoài da, vài ngày sau tiêu ra nước rất dễ bội nhiễm.  Thử quan sát các phòng cấp cứu từ trung ương đến huyện lỵ, con người khi bị thương tật bị xem rất rẻ: vết thương ai cũng có quyền khâu, từ cô y tá, đến cậusinh viên hai ba sao, đến anh y sĩ … người ta túm vội da người, khỏi chảy máu cho xong chuyện đời!

- Khi đời sống đã nâng cao, khi người nhìn lại chính người, nhất là những cậu trai cô gái biết mắc cỡ, họ khó chịu vì con đỉa, con rết rừng cứ đeo bám trên da người, rồi họ tìm cách gặp ông bác sĩ mong làm biến mất đi. Gần như 90 % người ta lại định bệnh một lần nữa đó là sẹo lồi rồi chữa trị một cách vô tội vạ: mổ bỏ nó đi, chích thuốc chống sẹo lồi, pôi thuốc, chạy điện …một vòng luẩn quẩn. Đâu là sẹo lồi và đâu là cái thẹo phì đại sau mổ ? Chuyện không đơn giản chút nào! Thật sự có một sự khác biệt nhiều giữa một cái thẹo lồi (keloid) và một sẹo phì đại (hypertropic scars) khi xét trên yếu tố sinh học  ngay người bác sĩ chuyên khoa đôi khi cũng khó phân biệt được đâu là sẹo lồi? Và đâu là cái sẹo phì đại? Vì chúng có nhiều điều trùng lắp, tính cách tiềm ẩn bệnh lý gần giống nhau. Một cái thẹo thật sự phải đánh giá trên ba phương diện: mức độ đau nhức, màu sắc đỏ, độ xâm thực của cái thẹo sang các mô lành của da trong nhiều năm trời. Nếu không, sẽ có nhiều sai trái khi quyết đoán sẹo lồi.
Theo dõi một sẹo phì đại trong thời gian ngắn 3-6 tháng :
- Một cái thẹo bình thường sau khi bị thương, sau vết mổ làm kích thích ngứa, màu đỏ vết mổ to dần cực đại trong 2-3 tháng, sau đó trở lại bình thường sau 6 tháng.
- Trên cái thẹo phì đại, sự kích thích lâu hơn, vết thẹo to lên tối đa từ tháng thứ 5 đến tháng thứ 7, sau đó giảm dần đến một năm. Thẹo phì đại hình dáng không thay đổi theo những năm tháng kế tiếp.

Nhóm trung gian
+ Đây là nhóm thẹo thường thấy ở vùng cổ hoặc nơi lỗ tai, xảy ra sau khi chích ngừa lao bị loét, thường xuất hiện ở tuổi nhỏ (7-14 tuổi). Hình dáng giống con bướm. Người da trắng vẫn có thẹo lồi nhưng đa số mọc trước ngực, thỉnh thoảng vùng lưng vai, nhưng hiếm thấy ở vùng khác trên da người. Sẹo lồi có chuyện lạ là không bao giờ thấy trên bộ phận sinh dục nam giới và trên vùng nhũ hoa nữ giới. Không giải thích nổi!
+ Nhiều yếu tố, tác nhân gây ra sẹo lồi bao gồm giống người (màu da), tuổi tác, loại bị tổn thương, yếu tố stress, vùng bị thương…, kể luôn lượng nội tiết tố trong mỗi người khác nhau.
+ Ảnh hưởng nhiều yếu tố gây nên nguy cơ sẹo lồi cũng như thẹo phì đại - cái nguyên nhân rõ ràng chính xác nhất vẫn chưa tìm ra. Phải chăng đó là lý do đưa đến nhiều giả thuyết khác nhau khi điều trị căn bệnh lạ lùng này? Chưa có một phương pháp nào gọi là hoàn hảo - ngay phòng chống sẹo lồi người ta vẫn chưa hiểu! Người Việt Nam bảo không ăn đồbiển? Có thể sợ trong hải sản đó có chứa những chất protein lạ, gây phản ứng, từ đó sinh sẹo lồi hoặc phì đại.
. Phát triển lâu dài của sẹo lồi
Sẹo cứ phát triển lớn dần trong nhiều năm, và còn ăn lan qua những mô lành kế cận, đặc biệt trước vùng xương ức (ngực), hình dáng như con bướm đỏ - cái thẹo lồi đôi khi còn thấy sau lưng, trên bả vai. Khởi đầu những cái thẹo đôi khi chỉ là nốt chích ngừa trên chục năm trước, đôi khi từ nốt nhỏ xuất phát ở cái mụn mọc sau lưng, trên ngực. Nhưng cái sẹo lồi đặc hiệu này thường chỉ xuất hiện trên giới trẻ, hiếm khi trước tuổi dậy thì.
+ Ngay định nghĩa thế nào là sẹo lồi đã lắm tác giả trình bày khác nhau: Có người cho nó do cái thẹo phì đại qua phần bên cạnh (Peacock 1970), sẹo chứa nhiều mô sợi (Mc Coy 1981), là một khối u lành tính ở da (Russell 1980), chỉ xảy ra khởi đầu từ lớp biểu bì da (ectoderm không có phương cách điều trị - Le Masters - 1986) Người ta biết từ thế kỷ thứ XIII - giống dân nào cũng bị, nhưng nhiều nhất trên da đen và da vàng, có thể do ảnh hưởng gia đình (Omo-Dare -1975), chuyện di truyền từng người không rõ ràng (Oluwasamn -1979). Đàn ông đàn bà tỷ lệ ngang nhau.

Sẹo lồi thường sau một vết thương, đôi khi sau chích ngừa, sau vết thương bị côn trùng cắn, sau những cái mụn - một vết thương xấu xí - phát triển từ từ gây ngứa khó chịu, ít khi gây đau đớn. Đôi khi phát triển nhanh kinh hoàng và nghiêm trọng. Phát triển cả qua những phần lành bệnh bên cạnh. Nhiều khi chích ngừa lúc nhỏ nhưng mãi lên đại học, trưởng thành mới xuất hiện. Chuyện phân biệt rất quan trọng để theo dõi nhiều năm sau này